Nguyên tắc sử dụng thiết bị điện an toàn
Để sử dụng các thiết bị điện an toàn người tiêu dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc nhằm hạn chế những rủi ro về sử dụng điện trong gia đình gây hỏa hoạn, cháy, nổ…
Nguyên tắc nằm lòng khi sử dụng thiết bị điện
Nguyên tắc đầu tiên khi lắp đặt thiết bị điện là phải lựa chọn dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn, dựa trên tính toán công suất tiêu thụ từ các thiết bị (bóng đèn, quạt, máy lạnh, tủ lạnh…) trong nhà, để dây đảm bảo chịu tải.
Dây dẫn điện trong nhà phải phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện; hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng và thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, cho từng thiết bị điện. Không câu, mắc dây điện tùy tiện; các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật – nối so le và được quấn băng cách điện; dây dẫn điện đặt trong ống, hộp bảo vệ.
Yêu cầu quan trọng nữa là nên lựa chọn thiết bị của các nhà sản xuất có uy tín, chất lượng. Đừng vì tiết kiệm một chút tiền mà lựa chọn các thiết bị điện không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, dẫn đến phải đánh đổi cả tính mạng và tài sản.
Khi lắp đặt, phải đúng quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Ví dụ, dây dẫn phải đi trong ống bảo vệ chống cháy, thiết bị dễ phát sinh tia lửa phải có hộp bảo vệ chống tia lửa bắn ra ngoài gây cháy. Cần lắp đặt các thiết bị chống quá tải, chập mạch và các thiết bị bảo vệ chống cháy trên đường nguồn.
Lưu ý nữa là không nên cắm trực tiếp dây dẫn vào ổ cắm điện, không nên cắm cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn trong cùng một ổ cắm. Cần tạo khoảng cách an toàn từ các thiết bị điện với những vật dụng dễ cháy để bảo đảm rằng nếu có sự cố thì cũng khó có khả năng cháy lan sang các vật dụng này… Trước khi lắp đặt, sử dụng thêm các thiết bị điện có công suất lớn, cần phải kiểm tra, bảo đảm rằng dây dẫn và các thiết bị bảo vệ hiện hữu có thể đáp ứng yêu cầu, tránh gây tình trạng quá tải, gây cháy.
Khi sử dụng các thiết bị điện để đun nấu, sinh hoạt, người dân cần kiểm soát cẩn thận, tránh tình trạng ra khỏi nhà mà các thiết bị này vẫn hoạt động dẫn đến cháy nổ. Những thiết bị này cần sử dụng dây dẫn an toàn, có thể chống chập mạch, chống phát sinh tia lửa điện do điện trở tiếp xúc lớn.
Cần tạo thói quen kiểm tra hệ thống thiết bị điện trước khi đi ngủ, trước khi rời khỏi nhà hoặc nơi làm việc để bảo đảm đã kiểm soát được các hệ thống thiết bị điện; tránh bỏ quên có thể gây ra sự cố cháy nổ.
Nên thay dây dẫn, thiết bị điện khi nào?
Người dùng nên thường xuyên kiểm tra dây diện; nếu trong quá trình sử dụng mà dây không nóng, không tăng nhiệt thì vẫn tiếp tục sử dụng được, không cần quan tâm giới hạn bao nhiêu năm. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng CP cầu dao, vặn siết lại ốc, không được để lỏng vì như vậy sẽ gây phát sinh nhiệt và tia lửa điện.
Các thiết bị điện không có quy định chung bao nhiêu năm thì nên thay mà phụ thuộc vào chất lượng, vào việc sản phẩm có inverter hay không. Nếu sản phẩm còn tốt thì không cần thiết phải thay. Riêng với bóng đèn, do độ chiếu sáng sẽ giảm dần theo thời gian sử dụng nên có thể thay thế nếu thấy độ sáng không còn tốt.
Khi sử dụng các thiết bị điện, nếu dây dẫn bị nóng là dấu hiệu đang bị quá tải đường dây. Lúc đó, có thể cắm điện ở vị trí khác có hệ thống đường dẫn điện tốt hơn. Nếu vẫn thấy dây dẫn nóng, cần kiểm tra lại thiết bị có trục trặc không bằng cách gửi đến các trung tâm bảo hành. Khi bảo đảm thiết bị không bị lỗi mới tính đến việc thay dây dẫn để bảo đảm an toàn.
Trên đây là một số nguyên tắc sử dụng thiết bị điện an toàn. Người dùng cần tuân thủ các nguyên tắc này nhằm hạn chế những rủi ro khi sử dụng điện trong gia đình.
Để lại một bình luận